Thứ ba, 25 Tháng 7 2023 09:54

Việc xác định lỗi vi phạm về đỗ xe trong giải quyết các vụ việc, vụ án về giao thông đường bộ

Hiện nay khi giải quyết các vụ việc, vụ án về giao thông đường bộ thường gặp một số khó khăn, trong đó việc xác định có hành vi vi phạm và có lỗi hay không, mức độ lỗi, hậu quả như thế nào, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với hậu quả… như việc xác định hành vi đỗ xe ô tô và người tham gia giao thông đâm vào xe ô tô dẫn đến hậu quả chết người có vi phạm Luật Giao thông đường bộ không và có lỗi hay không? Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật cùng với kinh nghiệm tích lũy của bản thân, tôi đưa ra nhận thức và quan điểm giải quyết như sau:

Tại điểm d khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ quy định: "…Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;…".

Theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ (mã số đăng ký QCVN 41:2019/BGTVT), tại Điều 34.5 quy định: "Hạn chế sử dụng biển báo nguy hiểm và cảnh báo tràn lan nếu các tính chất không thực sự gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông".

Nhận thấy Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải, là văn bản hướng dẫn các quy định của Luật Giao thông đường bộ, trong đó có quy định về việc đặt biển báo hiệu nguy hiểm, vì vậy quy định tại Điều 34.5 của Quy chuẩn 41 (Hạn chế sử dụng biển báo nguy hiểm và cảnh báo tràn lan nếu các tính chất không thực sự gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông) là quy định cụ thể hướng dẫn quy định chung tại điểm d khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ (nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết); điều này cũng có nghĩa là: không phải mọi trường hợp đỗ xe thì đều phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm, mà chỉ đặt biển cảnh báo nguy hiểm khi thấy vị trí, tính chất, hoàn cảnh đỗ xe có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy các phương tiện ô tô dừng đỗ sát lề đường, mép đường bên phải (nếu không phải đoạn đường có biển báo cấm dừng, đỗ), mà không có dấu hiệu gây cản trở, ùn tắc giao thông hay tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, thì các lực lượng chức năng có thẩm quyền không yêu cầu chủ phương tiện phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm phía trước và phía sau cách xe 05m, không xác định hành vi đỗ xe này là vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính.

Sau đây xin được nêu 02 ví dụ để đánh giá trường hợp đỗ xe nào có lỗi vi phạm và trường hợp nào không có lỗi vi phạm, cụ thể như sau:

Ví dụ 1: Tháng 6/2021, Nguyễn Văn N. mua chiếc xe ô tô BKS: 88H-004…, nhãn hiệu DONGBEN để kinh doanh vận tải, do chưa có giấy phép lái xe nên anh N. thuê người khác lái xe cho mình. Sáng ngày 07/4/2023, anh N. thuê lái xe điều khiển chiếc xe ô tô vào nhà anh Q. ở thôn An Rinh 2, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn và cho xe đỗ tại một bãi đất trống bên trái đường (Đường huyện 30, hướng từ ngoài Quốc lộ 4B vào UBND xã Tân Liên). Đến chiều cùng ngày, anh N. nhờ Chu Xuân Th. tìm chỗ khác để đỗ. Sau đó, Chu Xuân Th. điều khiển xe ô tô đỗ bên phải đường (Hướng từ ngoài Quốc lộ 4B vào UBND xã Tân Liên) cách bãi đất đỗ xe trước đó khoảng 30m. Đến khoảng 17 giờ ngày 08/4/2023, ông Vy Văn Ng. điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 12K6-50…, nhãn hiệu WAZEHUNDA đi qua đoạn đường trên theo hướng từ Quốc lộ 4B vào UBND xã Tân Liên đã đâm vào đuôi xe ô tô biển kiểm soát 88H-004…đỗ bên phải đường. Hậu quả: ông Ng. tử vong, xe ô tô và mô tô bị hư hỏng.

 Kết quả khám nghiệm hiện trường: Hiện trường được xác định tại đường huyện 30 (ĐH 30) thuộc địa phận thôn An Rinh 2, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, mặt đường trải bê tông, phẳng, rộng 04m; hai bên mép đường là hệ thống cống thoát nước có nắp bằng bê tông cùng có độ rộng là 0,8m; liền kề hệ thống cống thoát nước bên phải là lề đất rộng 0,3m. Vị trí xe ô tô biển kiểm soát  88H-004… đỗ tại bên phải đường theo hướng từ Quốc lộ 4B vào UBND xã Tân Liên; phần bánh lốp phía trước, phía sau bên trái nằm trên mặt đường; bánh lốp phía trước bên phải nằm trên lề đất, bánh lốp phía sau bên phải nằm trên cống thoát nước; tâm trục bánh trước bên trái cách mép đường bên phải 0,5m; tâm trục sau bên trái cách mép đường bên phải 0,9m.

Ví dụ 2: T. là lái xe của Công ty Cổ phần gạch ngói Hợp Thành. Ngày 11/12/2022, T. được công ty giao nhiệm vụ điều khiển xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát 12C-050…, kéo theo sơ mi rơ moóc biển kiểm soát 12R-004… chở vật liệu từ nhà máy xi măng Hồng Phong, huyện Cao Lộc vào xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia. Sau khi trả hàng, T. điều khiển xe theo Quốc lộ 1B hướng Thái Nguyên - Đồng Đăng để về công ty, khi đi đến km 35 + 953 thuộc địa phận thôn Hang Nà, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan (lúc này khoảng 17 giờ) thì T. phát hiện xe ô tô báo hết dầu nên T. đánh lái cho xe ô tô đỗ sát vào mép đường bên phải, tắt máy, bật đèn tín hiệu cảnh báo nguy hiểm của xe ô tô và sơ mi rơ moóc rồi xuống xe gọi điện báo cho công ty biết, công ty yêu cầu T. đỗ xe chờ xe của công ty đến tiếp dầu. Sau đó T. lên ca bin xe ô tô để chờ và không thực hiện đặt cảnh báo nguy hiểm phía trước, phía sau xe ô tô và sơ mi rơ moóc. Khoảng 18 giờ cùng ngày, anh S. điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 12U1-174… đi hướng Thái Nguyên - Đồng Đăng, khi đi đến vị trí xe ô tô đang đỗ thì đâm vào phía đuôi bên trái của sơ mi rơ moóc và tử vong.

  Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định được: Đoạn đường xảy ra vụ tai nạn thẳng, mặt đường được trải nhựa phẳng rộng 5,90m, làn đường bên phải hướng Thái Nguyên - Đồng Đăng rộng 2,93m, làn đường bên trái rộng 2,97m, lề đường bên phải rộng 0,7m, lề đường bên trái rộng 0,88m; tim đường có kẻ vạch sơn đứt nét, màu vàng, phân chia hai chiều xe chạy, hai đầu đoạn đường xe đỗ không có biển báo hiệu nguy hiểm; xe ô tô và sơ mi rơ moóc đỗ sát mép đường bên phải.

Đối với vụ việc nêu tại ví dụ 1 thấy rằng: Tại đoạn đường xảy ra tai nạn, mặt đường trải bê tông, rộng 04m, hai bên mép đường là hệ thống cống thoát nước có nắp bằng bê tông cùng có độ rộng là 0,8m, liền kề hệ thống cống thoát nước bên phải là lề đất rộng 0,3m. Chu Xuân Th. cho xe đỗ sát tối đa về bên phải đường (theo hướng từ Quốc lộ 4B vào Ủy ban nhân dân xã Tân Liên), tâm trục sau bên trái cách mép đường bên phải 0,9m (một phần của xe đã nằm ngoài phần đường xe chạy), phần đường còn lại đủ rộng để các phương tiện tham gia giao thông di chuyển bình thường; thời điểm xảy ra tai nạn là ban ngày, điều kiện ánh sáng bình thường, đoạn đường xảy ra tai nạn không bị che khuất tầm nhìn, không có biển cấm dừng đỗ. Như vậy, có thể xác định hành vi đỗ xe ô tô của Chu Xuân Th. không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, vì vậy hành vi đỗ xe của Chu Xuân Th. không có lỗi vi phạm đối với việc ông Vy Văn Ng. bị chết do điều khiển xe mô tô đâm vào phía sau xe ô tô do Th. đỗ như phân tích ở trên, theo đó, Chu Xuân Th. không phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Đối với vụ việc nêu tại ví dụ 2 thấy rằng: T. đỗ xe ô tô đầu kéo kéo theo sơ mi rơ moóc tại đường Quốc lộ 1B rộng 5,90m, làn đường bên phải hướng Thái Nguyên - Đồng Đăng rộng 2,93m, làn đường bên trái rộng 2,97m, tim đường có kẻ vạch sơn đứt nét, màu vàng, phân chia hai chiều xe chạy, mặc dù T. đã đỗ xe sát mép đường bên phải theo chiều xe chạy nhưng đã chiếm hết làn đường bên phải, gây cản trở và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Hơn nữa, thời điểm xảy ra tai nạn là buổi tối nên giảm khả năng quan sát cho người tham gia giao thông, đoạn đường đỗ xe là đường Quốc lộ nên tốc độ xe đi của người tham gia giao thông sẽ cao hơn đường trong đô thị. Như vậy, hành vi đỗ xe của T. có tính chất gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, trong trường hợp này T. cần phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm phía trước và phía sau xe ô tô, đồng thời thực hiện thêm các biện pháp khác để cảnh báo cho người tham gia giao thông biết. Vì vậy, có căn cứ để xác định hành vi đỗ xe ô tô của T. dẫn đến hậu quả chết người đã có lỗi vi phạm điểm d khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ, theo đó T. đã phạm tội  Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Qua hai ví dụ trên và theo quy định của pháp luật về giao thông có thể thấy việc xác định hành vi đỗ xe có lỗi vi phạm về giao thông hay không là rất quan trọng, cần phải đánh giá các tình tiết, yếu tố, kết quả điều tra về khám nghiệm hiện trường, điều kiện khách quan...để xem xét, đánh giá xem hành vi đỗ xe có gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông hay không, có cần thiết phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm hay phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông hay không, từ đó có căn cứ chính xác để giải quyết vụ việc, vụ án được đúng đắn theo quy định của pháp luật.

Rất mong nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các đồng nghiệp để cùng trao đổi về nhận thức pháp luật cũng như giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ./.

                                         

                                                                 Nguyễn Tuấn Anh - Phòng 2, Viện tỉnh

 

4109 Lượt đã xem